Friday, May 13, 2016

Vì sao thế giới chìm sâu vào hỗn loạn và bất ổn


Mùa hè năm 2014, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius từng đặt câu hỏi: "Tại sao thế giới hiện nay lại chứng kiến nhiều cuộc xung đột xảy ra như vậy?". Đến năm 2015, câu hỏi này vẫn tiếp tục được đặt ra khi các cuộc xung đột trước còn chưa có dấu hiệu suy giảm thì các cuộc xung đột mới đã bắt đầu với quy mô và mức độ nguy hiểm ngày càng cao.
Nhiều nhà phân tích cho rằng sở dĩ các cuộc xung đột này khó có thể ngăn chặn là bởi nguyên nhân và bản chất phức tạp của tình hình thế giới hiện đại, theo Slate.fr
Sự sụp đổ của trật tự thế giới đơn cực
Theo các chuyên gia của Slate.fr, các cuộc xung đột căng thẳng trên toàn cầu khiến tình hình thế giới trở nên "nóng" chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh, từ hoạt động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), sự đấu đá giữa các nhóm phiến quân tại Syria và Iraq, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đến cuộc đối đầu của Palestine và Israel tại dải Gaza. Ở châu Á, Trung Quốc vẫn đang tính toán từng nước cờ nhằm thăm dò động thái của Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực.
Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao rất nhiều cuộc xung đột lại xảy ra trong khoảng thời gian gần như cùng một lúc như vậy? Các nhà ngoại giao và các nhà nghiên cứu chính trị nhận định rằng nguyên nhân là sự sụp đổ của trật tự quốc tế đơn cực đã tồn tại hơn 20 năm qua.
Bình luận viên quốc tế kì cựu của Le Monde Daniel Vernet nhận định các cuộc xung đột này vừa có tính độc lập, vừa có tính tương tác. Chúng có những tính chất địa phương và khu vực đặc thù, đồng thời cũng được kết nối bởi các đặc điểm chung.
Một trong những điểm chung của chúng là tạo ra những hậu quả nghiêm trọng tại châu Âu, châu lục trong nhiều thập kỷ qua vốn được hưởng nền hòa bình tương đối bền vững. Thời kỳ căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, lục địa già này luôn trong trạng thái an toàn vì được bảo vệ bởi "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ.
Sau khi Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ là siêu cường duy nhất có sức mạnh quân sự, chính trị, kinh tế không ai có thể thách thức và là nhân tố quyết định trong bất cứ cuộc xung đột nào ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Do đó, trật tự thế giới đã trở nên đơn cực với vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Washington. Dưới sự bảo trợ của Mỹ, châu Âu giai đoạn này gần như "miễn dịch" với chiến tranh và xung đột.
"Tuy nhiên, khả năng miễn dịch này ngày nay dường như đã kết thúc. Trật tự đơn cực của thế giới đã không kéo dài được lâu. Ở đỉnh cao sức mạnh, nước Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush đã đánh giá quá cao sức mạnh nội tại và phá hủy những nền tảng làm giá đỡ cho giá trị và uy tín của mình", ông Vernet nhận định.
The Guardian hồi tháng 1/2011 cho rằng trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố do Tổng thống Bush phát động đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của nước Mỹ, vào trật tự đơn cực của thế giới. Chiến dịch quân sự do Mỹ phát động ở Iraq và Afgahnistan đã ảnh hưởng rất nhiều đến uy thế của Washington.
Trật tự đa cực chồng chéo lợi ích
Chuyên gia phân tích Julien Nocetti thuộc viện Quan hệ quốc tế Pháp đánh giá rằng tuy là một siêu cường nhưng Mỹ không thể đơn phương đối phó với các mối đe dọa toàn cầu. Do đó, những năm gần đây trật tự thế giới đã dần chuyển sang khái niệm "một siêu cường, nhiều cường quốc" hay trật tự thế giới đa cực, trong đó các bên đều có vai trò và nghĩa vụ quốc tế nhất định.
Do đang trong giai đoạn hình thành, trật tự mới không thể tránh khỏi tình trạng mâu thuẫn và chồng chéo về lợi ích giữa các quốc gia. Cùng lúc đó, các nhân tố phi nhà nước như các nhóm jihad, các tổ chức phi chính phủ, các phong trào dân tộc hoặc các phong trào ly khai đang làm mọi thứ trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết.
Tình hình phức tạp đến mức Ngoại trưởng Fabius từng tuyên bố "có rất nhiều vấn đề cần phải kiểm soát trong khi thế giới hiện nay hoàn toàn thiếu lực lượng để thực hiện điều đó".
Ông Vernet phân tích giai đoạn Chiến tranh Lạnh đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột nghiêm trọng và quy mô lớn không kém hiện nay, nhưng các cuộc khủng hoảng này có thể dẫn đến một vài mẫu số chung mà giới phân tích lúc đó hoàn toàn có thể nhận biết được.
Còn tình hình hiện nay thì không như thế, vì mọi phương pháp tiếp cận nhằm giải thích đều cho thấy sự chồng chéo và mâu thuẫn về lợi ích giữa các quốc gia. Các quốc gia mới nổi yêu cầu lập lại trật tự thế giới "quá nghiêng về phương Tây" hiện nay, nhưng lại không có khả năng xác định rõ trật tự đó là như thế nào, và cũng như không thể thiết lập một trật tự mới.
"Trong giai đoạn hiện nay, giữa các quốc gia không tồn tại khái niệm kẻ thù vĩnh viễn mà vừa thường xuyên vừa là đồng minh cùng phe, vừa là đối thủ cạnh tranh hoặc thậm chí là kẻ thù của nhau. Ví dụ nổi bật nhất là trường hợp của Nga - vừa là kẻ thù của Mỹ và phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine, vừa là đồng minh trong chương trình hạt nhân Iran, đồng thời là đối thủ trong cuộc chiến Syria nhưng có vai trò hậu thuẫn hỗ trợ nhau trong cuộc chiến chống IS", ông Vernet cho biết.
Trong bối cảnh đó Liên minh châu Âu (EU) có lẽ là nhân tố chuẩn bị kém nhất để đối phó với tình huống này. Một châu Âu già nua vốn luôn tin tưởng vào khả năng "miễn dịch" với chiến tranh đã gánh hậu quả nghiêm trọng của các vụ khủng bố. Việc mở rộng EU sang Trung và Đông Âu, nỗ lực bất thành để xác định các quan hệ mới với Moscow đã góp phần vào việc hình thành ý tưởng một châu Âu có nền tảng là đàm phán và tôn trọng độc lập. Tuy nhiên, ý tưởng đó đã không bao giờ trở thành hiện thực do các hành động can thiệp quân sự công khai hoặc ngấm ngầm.

No comments:

Post a Comment